Bụi PM 2.5 (Fine particulate matter) là từ để chỉ các vật thể siêu nhỏ lơ lửng trong không khí - đặc biệt thường có tại các thành phố ô nhiễm vào giờ cao điểm. Bụi PM 2.5 còn được gọi là bụi siêu mịn đặc biệt nguy hiểm tới sức khỏe nếu có quá nhiều trong không khí đồng thời có thể giây giảm tầm nhìn, mây mù và gây dị ứng mạnh.
Đặc điểm của bụi siêu mịn PM 2.5
Bụi PM 2.5 có kích thước bằng khoảng 1/40 sợi tóc người hoặc nhỏ hơn thế (0.1 micromet tới 2.5 micromet) nên không thể nhìn được bằng mắt thường. Thành phần của bụi PM 2.5 rất đa dạng: Có thể là các hạt kim loại hoặc các hợp chất của Carbon, Nito, Sunphua… ở cả dạng rắn và lỏng.
Nguyên nhân hình thành bụi siêu vi PM 2.5 rất đa dạng nhưng phần lớn là từ hoạt động của các phương tiện giao thông (57%), sau đó là hoạt động xây dựng và cuối cùng là từ hoạt động công nghiệp. Cũng chính vì đặc điểm hình thành chủ yếu từ hoạt động giao thông nên các thời điểm kẹt xe cũng là lúc lượng bụi PM 2.5 lên cao nhất.
Bụi PM 2.5 tác động tới sức khỏe như thế nào?
Với các loại bụi thông thường có kích thước lớn hơn (PM 10) thì cũng đã gây các tác hại nhất định tới hệ thống hô hấp. Bụi PM2.5 lại đặc biệt nguy hiểm hơn vì kích thước nhỏ giúp chúng có khả năng đi sâu vào vào các túi phổi - thậm chí là cả các mao mạch để vào hệ thống tuần hoàn.
Những người có tiền sử bị bệnh tim, phổi hoặc trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng đối tượng dễ bị tác động nhất bởi bụi PM 2.5. Tuy nhiên kể cả người khỏe mạnh khi tiếp xúc với mức độ bụi PM 2.5 quá cao cũng có bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Các nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra có sự liên quan rõ ràng của bụi PM 2.5 với các bệnh/triệu chứng sau:
Kích ứng/dị ứng mắt, mũi và họng
- Viêm xoang, sổ mũi và bệnh hen suyễn
- Ho, tức ngực và khó thở
- Suy giảm chức năng phổi
- Rối loạn nhịp tim, đau tim, đột quỵ
- Gia tăng tỉ lệ tử vong ở người bị bệnh tim hoặc phổi
Làm gì để bảo vệ bản thân trước bụi PM 2.5
Do kích thước siêu nhỏ nên bụi PM 2.5 rất khó để tránh 1 cách tuyệt đối - đặc biệt là nếu bạn sống tại các khu đô thị lớn với lượng giao thông dày đặc. Tuy nhiên nếu bạn áp dụng các biện pháp sau đây sẽ giảm đáng kể tác hại của bụi PM 2.5 tới sức khỏe:
- Luôn đeo khẩu trang có khả năng lọc bụi PM 2.5 khi ra đường - các loại khẩu trang vải và y tế thông thường gần như không có tác dụng.
- Bạn nên đeo thêm kính bảo hộ vì bụi PM 2.5 cũng có tác động rất mạnh tới mắt.
- Hạn chế tối đa tham gia giao thông vào các giờ cao điểm vì đây là thời điểm bụi PM 2.5 lên cao nhất.
- Luyện tập nâng cao sức khỏe và khám sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và tuần hoàn.